"Ngôi nhà chung" của những người thầy tâm huyết
Trường THPT Trương Định được thành lập theo quyết định số 172/QĐ-UB, ngày 30/9/1973 của Ủy ban hành chính TP Hà Nội trụ sở tại chùa Sét (đường Trương Định). Trường được xây dựng mới khang trang tại khu Tân Mai. Năm học 1977-1978, trường phổ thông cấp 3 Trương Định được tách ra thành: Trường phổ thông cấp 3 Trương Định và Trường phổ thông cấp 3 Lý Tự Trọng. Ngày 21/5/1996 theo quyết định số 1756/ QĐ-UB, hai trường sáp nhập thành trường PTTH Trương Định, sau đó bằng quyết định số 4285/QĐ- UB ngày 24/7/2003 trường PTTH Trương Định được đổi thành trường THPT Trương Định đến nay.
Trong suốt chiều dài lịch sử, năm nào trường THPT Trương Định cũng có giáo viên (GV) dạy giỏi cấp TP và đặc biệt đã có GV đạt giải Nhì toàn quốc. Những sáng kiến kinh nghiệm của GV nhà trường luôn được ngành GD&ĐT đánh giá cao. Hiện nay, toàn trường có 91 cán bộ, GV, nhân viên, trong đó 100% đạt chuẩn và 25% trên chuẩn. Với trình độ và lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề, các thầy cô đang từng ngày trao gửi tri thức, phát hiện và vun đắp tài năng của từng học sinh (HS).
Nhắc đến Trường THPT Trương Định là nói về một ngôi trường năng động với những hoạt động tập thể, các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được Thành đoàn, Thành phố đánh giá cao. Tính riêng năm học 2016 – 2017, bên cạnh các giải đạt được trong cuộc thi HSG cấp Thành phố, HS của trường đã đoạt 1 HCB tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, 1 HCĐ ở bộ môn Taekwondo cấp Thành phố. Các em cũng giành giải Nhất cấp Quận và giải Nhất Thành phố cuộc thi An toàn giao thông dưới góc nhìn người trẻ; Giải Ba cấp Thành phố cuộc thi tìm hiểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giải Nhất Cụm và giải Ba Thành phố toàn đoàn và giải Ba cá nhân trong cuộc thi Giai điệu tuổi hồng (Năm học trước, HS đạt giải Nhì toàn quốc cuộc thi này). Các em cũng giành được 5 giải cấp Thành phố cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam… Gần đây, trường còn tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện để HS học được cách chia sẻ, cảm thông, có cơ hội trải nghiệm và từ đó có ý thức hơn trong học tập và rèn luyện kỹ năng sống.
Đổi mới không ngừng
Trong năm học vừa qua, HS nhà trường đã hào hứng với cách học mới, thông qua các chuyên đề giáo dục của các tổ bộ môn. Cụ thể, các chuyên đề được triển khai và thực hiện theo hình thức sinh hoạt ngoại khóa vào các giờ chào cờ đầu tuần. Các giờ ngoại khóa đó đã tạo nên bầu không khí sôi nổi, đồng thời giáo dục cho HS những kiến thức thực tế của các môn học trong trường THPT, những ứng dụng vào cuộc sống... Có thể kể đến các chuyên đề giảng dạy có tính ứng dụng cao vào công tác chuyên môn như: Chuyên đề của tổ Lý- kỹ thuật-Tin học: "Sử dụng thí nghiệm ảo, video và hình ảnh minh họa vào bài dạy Vật lý 12 phần Sóng cơ". Chuyên đề của tổ Văn: "Giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao". Chuyên đề tổ Hóa-Sinh: "Vi sinh vật với đời sống Sinh học 10". Chuyên đề của Chi đoàn GV: "Hướng dẫn sử dụng phần mềm đảo đề và tạo ngân hàng đề". Những chuyên đề như thế đã kéo HS lại gần với những bài học, thắp lên trong các em tình yêu môn học.
Để tạo ra bước chuyển trong chất lượng giáo dục, hướng HS đến môi trường hiện đại, hội nhập, trường THPT Trương Định đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Năm học 2016-2017 nhà trường đã đưa vào sử dụng bảng điện tử thông minh trong việc giảng dạy bộ môn Ngoại ngữ và tạo được sự thu hút, sự hứng khởi trong việc học bộ môn dẫn đến hiệu quả cao trong việc phát triển năng lực HS. Nhà trường tăng cường các buổi học ngoại ngữ tại phòng bộ môn. Nhóm ngoại ngữ thường xuyên trao đổi, dự giờ đánh giá tiết dạy, có những góp ý, thảo luận về chuyên môn để nâng cao hiệu quả mỗi giờ dạy.
Kết quả năm học 2016 – 2017 của nhà trường, 100% HS lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT và trên 89% HS có điểm xét tuyển Đại học, Cao đẳng trên điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (15,5 điểm).
Ước vọng ngày mai
Xuất phát điểm của trường THPT Trương Định không có nhiều thuận lợi, điều dễ nhận thấy nhất là điểm đầu vào lớp 10 của HS trường THPT Trương Định không cao so với một số trường khác ở khu vực nội thành. Chính vì vậy, làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, hướng đến hội nhập quốc tế luôn là nỗi trăn trở lớn nhất đối với cán bộ quản lý và GV nhà trường. Thầy giáo Lê Việt Dương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Từ những năm học tới, trường THPT Trương Định sẽ chú trọng hơn nữa tới công tác giáo dục HS lớp 10 để tạo nền tảng vững chắc, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chúng tôi sẽ tạo cho các em nếp học tốt và phát huy hết sở trường, thế mạnh của mỗi HS. Song song với đó, trường bám sát tinh thần đổi mới giáo dục, thực hiện đổi mới bằng những việc làm cụ thể. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở cả HS lớp 11 và 12".
Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp cũng chính là một rào cản lớn trong công tác phát triển giáo dục của trường THPT Trương Định. Trường nằm trên địa bàn có mặt bằng thấp nhất trong Thành phố, địa phương cũng đã nâng mặt đường nên tình trạng ngập úng của nhà trường diễn ra thường xuyên và dài ngày khi có mưa (do nước mưa và nước thải ở xung quanh đổ về). Còn nhớ trận ngập lịch sử năm 2008, trường THPT Trương Định là trường bị ngập sâu và phải nghỉ học lâu nhất trong số các trường học của Hà Nội. Từ năm học 2016 – 2017 khi nhà trường đầu tư xử lý hệ thống thoát nước thì tình hình đã khả quan hơn rất nhiều. Những trận mưa đã không còn là nỗi ám ảnh đối với thầy và trò nhà trường nữa. Tuy vậy, hệ thống cơ sở vật chất được xây dựng cách đây hơn 40 năm bị xuống cấp cũng ảnh hưởng phần nào đến các hoạt động giáo dục của trường.
Trường THPT Trương Định được xây dựng từ năm 1973, đến nay về cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc và các hạng mục xây dựng , gồm 2 khối phòng học 3 tầng với tổng số 30 phòng học và khối nhà làm việc và một số hạng mục hỗ trợ khác. Hệ thống phòng học không còn phù hợp với sự phát triển giáo dục hiện nay, đồng thời do xây dựng từ quá lâu nên các công trình xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm: mái dột, các khối nhà lún, nứt, 1 khối nhà học đã nghiêng.
Quy mô công năng sử dụng của các phòng không đủ và không đảm bảo cho nhu cầu học tập hiện nay cũng như trong thời gian sắp tới khi ngành GD&ĐT đang triển khai nhiều chương trình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại, tiên tiến. Đồng thời vị trí của nhà trường là trung tâm đô thị hóa của quận Hoàng Mai nên nhu cầu về cả số lượng và chất lượng giáo dục đối với nhà trường là rất cấp thiết.
Thầy Lê Việt Dương bày tỏ: Xây dựng trường đạt Chuẩn quốc gia là mục tiêu lớn của nhà trường, tuy vậy, tiêu chí về diện tích, điều kiện cơ sở vật chất, hiện nay không đủ để đạt chuẩn. Mặc dù khó khăn nhưng thầy và trò nhà trường luôn cố gắng và quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Phương châm được đặt ra cho mỗi cán bộ, GV là "Chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế". Chúng tôi rất mong muốn trường được xây dựng lại cơ sở vật chất nhằm đáp ứng quy mô trường lớp và chương trình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại, toàn diện".